Thông tư số 10/2014 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
08/08/2014 10:26
Thông tư số 10/2014/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 17/01/2014, đối với tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn có thể bị xử phạt lên đến 50 triệu đồng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chi tiết về các hành vi vi phạm hành chính về hoá đơn, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hoá đơn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá đơn.
2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng và hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
1. Mọi hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính về hóa đơn gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật.
3. Việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm, tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng.
4. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn khi có hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn do pháp luật quy định.
5. Một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn chỉ bị xử phạt một lần.
6. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó.
7. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn hoặc vi phạm hành chính về hóa đơn nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
8. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn của tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính về hóa đơn.
9. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức. Đối với người nộp thuế là hộ gia đình thì áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
10. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn bao gồm:
a) Phạt cảnh cáo, áp dụng đối với hành vi vi phạm về hoá đơn không gây hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ.
b) Phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm về hóa đơn là 50 triệu đồng;
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, một số hành vi vi phạm về hoá đơn quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11 Thông tư này còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về hóa đơn, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa.
Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình.
Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ.
11. Trường hợp các hành vi vi phạm về hoá đơn dẫn đến hành vi khai sai làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, được hoàn hoặc dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định.
Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng
Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Thời hiệu xử phạt
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn là 01 năm.
Đối với hành vi vi phạm hành chính về hoá đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế là 5 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định tại khoản 1 Điều này được tính như sau:
Đối với vi phạm hành chính về hóa đơn đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
Đối với vi phạm hành chính về hóa đơn đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
3. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
4. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
5. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn theo hình thức phạt tiền (là ngày thực hiện xong các nghĩa vụ, yêu cầu ghi trong quyết định xử phạt hoặc từ ngày quyết định xử phạt được cưỡng chế thi hành) hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ HÓA ĐƠN
Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử
1. Xử phạt đối với hành vi tự in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử không đủ các nội dung quy định.
a) Các nội dung quy định bắt buộc phải đúng trên hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử là ký hiệu hoá đơn, ký hiệu mẫu hoá đơn, số hoá đơn.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tự in hoá đơn, khởi tạo hoá đơn điện tử không đủ một trong các nội dung bắt buộc phải đúng như trên.
b) Trường hợp tự in hoá đơn, khởi tạo hoá đơn điện tử đảm bảo đúng các nội dung quy định bắt buộc như trên nhưng thiếu hoặc sai các nội dung khác (trừ các trường hợp hoá đơn không nhất thiết phải có đủ các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính) thì:
b.1) Phạt cảnh cáo nếu nội dung thiếu hoặc sai trên hoá đơn đã được khắc phục và vẫn đảm bảo phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế phát sinh, không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp.
b.2) Phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt là 2.000.000 đồng nếu nội dung thiếu hoặc sai trên hoá đơn không được khắc phục nhưng đảm bảo phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
b.3) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu nội dung thiếu hoặc sai trên hoá đơn ảnh hưởng đến số thuế phải nộp.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Tự in hóa đơn hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ các điều kiện quy định;
Các điều kiện để tự in hoá đơn và khởi tạo hoá đơn điện tử thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và Thông tư của Bộ Tài chính về khởi tạo hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
b) Cung cấp phần mềm tự in hoá đơn không đảm bảo nguyên tắc theo quy định hoặc hoá đơn khi in ra không đáp ứng đủ nội dung quy định.
Nguyên tắc đảm bảo đối với hoá đơn tự in thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự in hoá đơn giả (trừ trường hợp do lỗi khách quan của phần mềm tự in hoá đơn) và hành vi khởi tạo hoá đơn điện tử giả.
Hoá đơn giả là hoá đơn được in hoặc khởi tạo theo hoá đơn đã được phát hàng của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hoá đơn.
Lỗi khách quan của phần mềm tự in được xác định do lỗi tự thân của phần mềm tự in hoá đơn (như do virus…), không có sự can thiệp của con người. Trường hợp xác định hoá đơn tự in in ra là hoá đơn giả do lỗi khách quan của phần mềm tự in thì đơn vị cung cấp phần mềm tự in hoá đơn bị xử phạt cảnh cáo. Các bên (đơn vị cung cấp phần mềm tự in hoá đơn và đơn vị sử dụng phần mềm tự in hoá đơn) phải dừng việc khởi tạo hoá đơn, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa phần mềm tự in hoá đơn.
4. Hình thức phạt bổ sung: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này bị phạt đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này buộc phải hủy các hóa đơn được in hoặc khởi tạo không đúng quy định.
Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về đặt in hóa đơn
1. Hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản.
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cả bên đặt in và bên nhận in hoá đơn đối với hành vi đặt in hoá đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản hoặc tổ chức nhận in hoá đơn tự in hóa đơn đặt in để sử dụng nhưng không có quyết định in hoá đơn của Thủ trưởng đơn vị theo quy định.
Hợp đồng in hoá đơn được thể hiện bằng văn bản theo quy định của Luật Dân sự, quyết định tự in hoá đơn đặt in của tổ chức nhận in hoá đơn phải được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ nội dung theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
b) Trường hợp đặt in hoá đơn đã ký hợp đồng in bằng văn bản nhưng hợp đồng in không đầy đủ nội dung hoặc tổ chức nhận in hoá đơn tự in hoá đơn đặt in đã ký quyết định tự in hoá đơn nhưng quyết định tự in hoá đơn không đầy đủ nội dung theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thì:
b.1) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp bên đặt in và bên nhận đặt in hoá đơn đã ký phụ lục hợp đồng bổ sung các nội dung còn thiếu, tổ chức nhận in hoá đơn tự in hoá đơn đặt in ký quyết định bổ sung các nội dung còn thiếu trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra.
b.2) Phạt tiền ở mức tối thiểu của khung tiền phạt là 2.000.000 đồng đối với trường hợp bên đặt in và bên nhận đặt in hoá đơn không ký phụ lục hợp đồng bổ sung các nội dung còn thiếu, tổ chức nhận in hoá đơn không ký quyết định bổ sung các nội dung còn thiếu. Đồng thời bên đặt in và bên nhận đặt in hoá đơn phải bổ sung các nội dung còn thiếu của hợp đồng.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hoá đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi đã lập tờ Thông báo phát hành hóa đơn đối với trường hợp hợp đồng đặt in hoá đơn không quy định thời hạn thanh lý hợp đồng.
b) Không hủy hóa đơn đặt in chưa phát hành nhưng không còn sử dụng theo quy định.
3. Đối với hành vi không khai báo đúng quy định việc mất hóa đơn trước khi thông báo phát hành.
a) Không xử phạt nếu việc mất, cháy, hỏng hoá đơn trước khi thông báo phát hành được khai báo với cơ quan thuế trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hoá đơn.
b) Phạt cảnh cáo nếu việc mất, cháy, hỏng hoá đơn trước khi thông báo phát hành khai báo với cơ quan thuế từ ngày thứ 6 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hoá đơn và có tình tiết giảm nhẹ; Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung hình phạt.
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu việc mất, cháy, hỏng, hoá đơn trước khi thông báo phát hành khai báo với cơ quan thuế sau ngày thứ 10 kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hoá đơn.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn giả.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 4 và khoản 5 Điều này phải hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định.
Điều 8. Hành vi vi phạm quy định in hóa đơn đặt in
1. Đối với hành vi vi phạm chế độ báo cáo về việc nhận in hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính.
Báo cáo về việc nhận in hoá đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm báo cáo về việc nhận in hoá đơn sau 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn báo cáo.
b) Phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm báo cáo về việc nhận in hoá đơn từ ngày thứ 6 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn báo cáo và có tình tiết giảm nhẹ; Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung hình phạt là 2.000.000 đồng.
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi chậm báo cáo về việc nhận in hoá đơn sau ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn báo cáo.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hoá đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi bên đặt in đã hoàn thành thủ tục thông báo phát hành đối với trường hợp hợp đồng đặt in hoá đơn không quy định thời hạn thanh lý hợp đồng.
b) Không hủy các sản phẩm in hỏng, in thừa khi tiến hành thanh lý hợp đồng in.
3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Nhận in hóa đơn đặt in khi không đáp ứng đủ điều kiện quy định.
Điều kiện của tổ chức nhận in hoá đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
b) Không khai báo việc làm mất hóa đơn trong khi in, trước khi giao cho khách hàng.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một khâu bất kỳ trong hợp đồng in hóa đơn cho cơ sở in khác.
Trường hợp tổ chức nhận đặt in hoá đơn chuyển nhượng khâu in ra phim (chế bản) cho cơ sở in khác thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung hình phạt.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng này cho khách hàng khác.
6. Phạt tiền 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi in hóa đơn giả.
7. Hình thức phạt bổ sung: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này còn bị đình chỉ in hóa đơn từ 01 tháng đến 03 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 5 và khoản 6 Điều này phải hủy các hóa đơn cho, bán hoặc hoá đơn giả.
Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về mua hóa đơn
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không hủy hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng.
2. Đối với hành vi không khai báo việc làm mất hóa đơn đã mua nhưng chưa lập.
Thời hạn khai báo việc làm mất, cháy, hỏng hoá đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
a) Không xử phạt nếu việc mất, cháy, hỏng hoá đơn đã mua nhưng chưa lập được khai báo với cơ quan thuế trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hoá đơn.
b) Phạt cảnh cáo nếu việc mất, cháy, hỏng hoá đơn đã mua nhưng chưa lập khai báo với cơ quan thuế từ ngày thứ 6 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hoá đơn và có tình tiết giảm nhẹ;
Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung hình phạt là 6.000.000 đồng.
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu việc mất, cháy, hỏng, hoá đơn đã mua nhưng chưa lập khai báo với cơ quan thuế sau ngày thứ 10 kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hoá đơn.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đã mua nhưng chưa lập.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1 và khoản 3 Điều này buộc phải hủy hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng; hóa đơn đã mua và chưa lập.
Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Lập Thông báo phát hành không đầy đủ nội dung theo quy định đã được cơ quan thuế phát hiện và có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để điều chỉnh nhưng tổ chức, cá nhân chưa điều chỉnh mà đã lập hoá đơn giao cho khách hàng.
Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung tiền phạt là 2.000.000 đồng.
b) Không niêm yết Thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định.
Việc niêm yết Thông báo phát hành hoá đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung tiền phạt là 2.000.000 đồng.
2. Đối với hành vi không lập Thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn được đưa vào sử dụng:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân chứng minh đã gửi thông báo phát hành hoá đơn cho cơ quan thuế trước khi hoá đơn được đưa vào sử dụng nhưng cơ quan thuế không nhận được do thất lạc thì tổ chức, cá nhân không bị xử phạt.
b) Phạt tiền 6.000.000 đồng đối với hành vi không lập Thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn được đưa vào sử dụng nếu các hóa đơn này gắn với nghiệp vụ kinh tế phát sinh đã được kê khai, nộp thuế theo quy định.
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi không lập Thông báo phát hành hóa đơn trước khi hóa đơn được đưa vào sử dụng nếu các hóa đơn này gắn với nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhưng chưa đến kỳ khai thuế. Người bán phải cam kết kê khai, nộp thuế đối với các hóa đơn đã lập trong trường hợp này.
Trường hợp người bán có hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản này và đã chấp hành Quyết định xử phạt, người mua hàng được sử dụng hoá đơn để kê khai, khấu trừ, tính vào chi phí theo quy định.
d) Trường hợp tổ chức, cá nhân không lập Thông báo phát hành hoá đơn trước khi hoá đơn được đưa vào sử dụng nếu các hoá đơn này không gắn với nghiệp vụ kinh tế phát sinh hoặc không được kê khai, nộp thuế thì xử phạt theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 11 Thông tư này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều này còn phải thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định.
Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
1. Đối với hành vi không lập đủ các nội dung bắt buộc trên hoá đơn theo quy định, trừ các trường hợp hoá đơn không nhất thiết phải lập đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính:
a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi không lập đủ các nội dung bắt buộc theo quy định, trừ các trường hợp hoá đơn không nhất thiết phải lập đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nếu các nội dung này không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đã lập hoá đơn và không lập đủ các nội dung bắt buộc theo quy định nhưng tự phát hiện ra và lập hoá đơn mới điều chỉnh, bổ sung các nội dung bắt buộc theo quy định thì không bị xử phạt.
b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không lập đủ các nội dung bắt buộc theo quy định, trừ các trường hợp hoá đơn không nhất thiết phải lập đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không hủy hoặc hủy không đúng quy định các hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng theo quy định.
Việc huỷ hoá đơn của tổ chức, cá nhân thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Lập hoá đơn không đúng thời điểm.
Thời điểm lập hoá đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
a.1) Phạt cảnh cáo nếu việc lập hoá đơn không đúng thời điểm không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt.
Ví dụ: Công ty C giao hàng cho khách hàng vào ngày 01/3/2014 (căn cứ vào phiếu xuất kho của Công ty C), nhưng đến ngày 03/3/2014 Công ty C mới lập hóa đơn để giao cho khách hàng. Việc lập hoá đơn như trên là không đúng thời điểm nhưng Công ty C đã kê khai, nộp thuế trong kỳ tính thuế của tháng 3/2014 nên Công ty C bị xử phạt ở mức 4.000.000 đồng (do không có tình tiết giảm nhẹ).
a.2) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khác lập hoá đơn không đúng thời điểm theo quy định.
b) Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định.
Hoá đơn được lập liên tục từ số nhỏ đến số lớn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
b.1) Phạt cảnh cáo nếu việc lập hoá đơn thực hiện liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng khác quyển (quyển có số thứ tự lớn hơn dùng trước), tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã huỷ (không dùng) quyển có số thứ tự bé hơn.
Ví dụ: Công ty X có nhiều cơ sở bán hàng. Công ty X phân chia các quyển hoá đơn đặt in cho các cơ sở bán hàng. Cửa hàng Y thuộc Công ty X được nhận 2 quyển hoá đơn (quyển thứ 1 từ số 501 đến số 550 và quyển thứ 2 từ số 551 đến số 600). Nhân viên bán hàng của cửa hàng Y đã sử dụng quyển thứ 2 trước (hoá đơn được lập liên tục từ số nhỏ đến số lớn). Sau khi sử dụng một số hoá đơn mới phát hiện ra, cửa hàng Y tiếp tục sử dụng quyển hoá đơn thứ 2 cho đến hết và huỷ (không dùng) quyển thứ nhất.
b.2) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khác lập hoá đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định.
c) Ngày ghi trên hoá đơn đã lập xảy ra trước ngày mua hoá đơn của cơ quan thuế;
c.1) Phạt cảnh cáo nếu ngày ghi trên hoá đơn đã lập xảy ra trước ngày mua hoá đơn của cơ quan thuế nhưng tổ chức, cá nhân đã kê khai, nộp thuế vào kỳ khai thuế đúng với ngày ghi trên hoá đơn.
Ví dụ: Nhà thầu A mua hóa đơn do Cục thuế B đặt in vào ngày 01/4/2014 nhưng khi lập hóa đơn để giao cho khách hàng Nhà thầu A lại ghi ngày trên hóa đơn là ngày 28/3/2014. Nhà thầu A đã kê khai, nộp thuế đối với hoá đơn đã lập nêu trên vào kỳ khai thuế tháng 3/2014 thì nhà thầu A bị xử phạt cảnh cáo.
c.2) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khác ghi ngày trên hoá đơn đã lập trước ngày mua hoá đơn của cơ quan thuế.
d) Lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua, trừ trường hợp trên hoá đơn ghi rõ người mua không lấy hoá đơn hoặc hoá đơn được lập theo bảng kê;
đ) Không lập bảng kê hoặc không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ;
e) Lập sai loại hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế.
e.1) Phạt cảnh cáo nếu việc lập sai loại hoá đơn theo quy định và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hoá đơn và lập lại loại hoá đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế
e.2) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khác lập sai loại hoá đơn theo quy định.
4. Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hoá đơn khi hoá đơn chưa đến thời gian lưu trữ, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn. Trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.
Trường hợp người bán tìm lại được hoá đơn đã mất (liên giao cho khách hàng) khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người bán không bị phạt tiền.
Trường hợp người bán làm mất, cháy, hỏng các liên hoá đơn đã lập sai và đã xoá bỏ (người bán đã lập hoá đơn khác thay thế cho các hoá đơn đã lập sai và đã xoá bỏ) thì người bán bị phạt cảnh cáo.
Trường hợp trong cùng một thời điểm, tổ chức, cá nhân thông báo mất nhiều số hoá đơn cho cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân gộp nhiều lần mất hoá đơn để báo cáo cơ quan thuế thì xử phạt theo từng lần mất hoá đơn.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) có liên quan đến bên thứ ba, bên thứ ba do người bán thuê thì xử phạt người bán theo quy định tại điểm này.
b) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này).
Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hoá đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hoá đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này còn phải hủy hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng.
Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn của người mua
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho người mua) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn do thiên tai, hoả hoạn.
Trường hợp người mua tìm lại được hoá đơn đã mất và báo cáo lại với cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt thì người mua không bị phạt tiền.
Trường hợp trong cùng một thời điểm, tổ chức, cá nhân thông báo mất nhiều số hoá đơn cho cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân gộp nhiều lần mất hoá đơn để báo cáo cơ quan thuế thì xử phạt theo từng lần mất hoá đơn.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) có liên quan đến bên thứ ba, bên thứ ba do người mua thuê thì xử phạt người mua theo quy định tại khoản này.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho người mua) trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này).
Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hoá đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hoá đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.
Điều 13. Hành vi quy định về lập, gửi thông báo và báo cáo (trừ thông báo phát hành hoá đơn) cho cơ quan thuế
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn, theo quy định.
Ngoài bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân phải lập và gửi lại cơ quan thuế các thông báo, báo cáo đúng quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trong thời hạn quy định nộp thông báo, báo cáo thì không bị xử phạt.
2. Đối với hành vi vi phạm về nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn:
a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hoá đơn từ ngày thứ 1 đến hết ngày thứ 5 kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
b) Trường hợp nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hoá đơn, từ ngày thứ 6 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn theo quy định và có tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, trừ thông báo phát hành hóa đơn, chậm sau 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi không nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế. Hành vi không nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn, được tính sau 20 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2014.
2. Các quy định khác về xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết liên quan.
3. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm về hoá đơn đã xảy ra trước ngày Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 và Thông tư này, mà áp dụng các Nghị định quy định về xử lý vi phạm về hoá đơn có hiệu lực thi hành tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đó.
Trường hợp mức xử phạt đối với cùng một hành vi quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và Thông tư này nhẹ hơn mức xử phạt quy định tại các Nghị định trước ngày Nghị định số 109/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và Thông tư này, kể cả trường hợp hành vi vi phạm xảy ra trước ngày 109/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đã bị lập biên bản, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định xử lý hoặc đã ra quyết định xử lý nhưng đang trong thời hạn giải quyết khiếu nại thì được xem xét, ra quyết định xử lý theo mức xử phạt quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và Thông tư này.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh, không kinh doanh và người mua hàng hoá, dịch vụ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này, kiểm tra và xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân sử dụng hoá đơn đảm bảo thực hiện thống nhất trong toàn ngành, đúng quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục mẫu lập biên bản, mẫu quyết định, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà có thể bổ sung thêm dòng vào các chỉ tiêu đảm bảo phản ảnh đủ nội dung của hành vi vi phạm trong quá trình lập biên bản và ra quyết định xử phạt.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
Với mục tiêu “Sự thành công của học viên là niềm tự hào của Đức Minh”, Công ty đào tạo kế toán và tin học Đức Minh là nơi đào tạo kế toán thực tế và tin học văn phòng uy tín và chuyên nghiệp nhất Hà Nội hiện nay. Đức Minh luôn sẵn sàng hỗ trợ hết mình vì học viên, luôn đồng hành cùng học viên trên bước đường đi tới thành công.
Lịch học dạy kèm linh động từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần cho tất cả các học viên:
Ca 1: Từ 8h -> 11h30 * Ca 2: Từ 13h30 -> 17h * Ca 3: Từ 18h -> 20h
Bảng giá khóa học
TỔ CHỨC THI VÀ CẤP CHỨNG CHỈ CỦA VIỆN KẾ TOÁN ĐỨC MINH
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO KẾ TOÁN - TIN HỌC ĐỨC MINH
Cơ Sở 1: Tầng 2 - Tòa nhà B6A Nam Trung Yên - đường Nguyễn Chánh – Cầu Giấy HN - 0339.156.806
Cơ Sở 2: P902 tầng 9 tòa Licogi 12 . Số 21 Đại Từ - Đại Kim ( đối diện khu chung cư Eco Lake View) - Hoàng Mai - Hà Nội. ĐT / ZALO: 0342.254.883
Cơ Sở 3: Phòng 2516, tầng 25, tòa nhà SDU số 143 Trần Phú, Hà Đông,HN (ngay điểm ga tàu điện Văn Quán) - 0339.421.606