Đôi điều về các ước tính trong báo cáo tài chính
08/08/2014 10:34
Khái niệm “ước tính kế toán” đề cập tới các khoản mục trên báo cáo tài chính (BCTC) mà giá trị của chúng được ước tính chứ không thể đo lường một cách chính xác bằng các công thức toán học
Ví dụ về các khoản ước tính kế toán gồm có khấu hao tài sản cố định, dự phòng phải thu khó đòi, các phương pháp hạch toán hàng tồn kho, ước tính giá trị lợi thế thương mại… Để đưa ra các ước tính này, người lập BCTC phải sử dụng các “xét đoán nghề nghiệp”. Vì là các xét đoán nên mang nặng tính chủ quan, khó có một tiêu chuẩn nào để đánh giá tính hợp lý cả. Chính vì vậy, tính tin cậy của các ước tính kế toán là một vấn đề được người sử dụng báo cáo tài chính đặc biệt quan tâm.
Trên thực tế tồn tại một quan điểm cho rằng việc cho phép người lập BCTC sử dụng các xét đoán chủ quan khi lập báo cáo sẽ làm giảm độ tin cậy của thông tin tài chính, vì có khả năng người lập BCTC sẽ tìm cách che giấu những thông tin quan trọng nếu những thông tin đó có ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của họ. Lập luận này không hẳn là không có lý, thực tế đã chứng minh “nỗ lực” phù phép báo cáo tài chính là có thực và ngày càng tinh vi hơn[1]. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng cần phải hạn chế, thậm chí loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các xét đoán chủ quan khi lập BCTC. Bất chấp những chỉ trích này, việc sử dụng các ước tính kế toán trong BCTC không những không bị loại bỏ mà còn có chiều hướng ngày càng gia tăng với việc kế toán theo “giá trị hợp lý” ngày càng lấn lướt kế toán theo “giá gốc”.
Rõ ràng nguy cơ sử dụng các ước tính kế toán để phản ánh sai lệch thông tin tài chính là có thực, vậy mà người ta vẫn không tìm cách loại bỏ chúng. Điều đó cho thấy việc sử dụng các ước tính này hẳn là có mang lại những lợi ích nhất định. Dưới đây là một số nguyên nhân vì sao xét đoán chủ quan vẫn được sử dụng rộng rãi trong lập BCTC, bất chấp những lo ngại về khả năng “phù phép” báo cáo tài chính.
Thứ nhất, việc loại bỏ hoàn toàn các ước tính chủ quan là không khả thi và thiếu hiệu quả kinh tế.
Thử tưởng tượng nếu chúng ta không cho phép các doanh nghiệp được tự xác định tỷ lệ khấu hao tài sản của mình. Khi đó chế độ kế toán sẽ phải cực kỳ chi tiết, liệt kê tất cả các tình huống có thể và xác định tỷ lệ khấu hao tương ứng để các doanh nghiệp theo đó mà áp dụng. Điều này là không khả thi cả về mặt kinh tế lẫn kỹ thuật. Giả sử về mặt kỹ thuật ta có thể xây dựng được một chế độ kế toán chi tiết như vậy thì các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng. Tình hình kinh doanh thay đổi theo từng ngày, các doanh nghiệp sẽ phải luôn đối chiếu với những quy định chi tiết trong luật để thay đổi tỷ lệ khấu hao cho kịp thời. Các cơ quan hành pháp cũng sẽ rất vất vả để bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ đúng chế độ (luật phức tạp như vậy mà không có hệ thống hành pháp tốt thì chắc chắn sẽ không doanh nghiệp nào tuân theo). Mới chỉ có khấu hao tài sản mà đã phức tạp như vậy, nếu xây dựng một hệ thống luật chi tiết cho tất cả các khoản mục khác trên BCTC thì rõ ràng là không khả thi và không hiệu quả.
Ngoài các chi phí trực tiếp như trên, chí phí gián tiếp còn có thể lớn hơn nhiều lần. Một chế độ kế toán “cứng” (không có chỗ cho các xét đoán chủ quan khi lập BCTC) có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới các chính sách sản xuất, đầu tư, tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ, việc yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải ghi nhận chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) ngay khi phát sinh có thể khiến nhiều doanh nghiệp không có động lực tiến hành các hoạt động R&D, nếu điều đó ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh, qua đó tác động xấu tới giá cổ phiếu. Hơn nữa, đặc tính của kinh doanh là luôn tiềm ẩn yếu tố bất định, vì vậy sự linh hoạt của người quản lý doanh nghiệp là rất quan trọng để đối phó với các tình huống phát sinh. Một chế độ kế toán máy móc có thể sẽ hạn chế sự linh hoạt cần thiết này.
Thứ hai, việc cho phép doanh nghiệp sử dụng các xét đoán chủ quan trong lập BCTC cũng mang lại nhiều lợi ích.
Lý thuyết đại diện (agency theory) chỉ ra rằng tình trạng thông tin không cân xứng (information asymmetry) giữa nhà quản lý doanh nghiệp và các cổ đông khiến cho rủi ro thông tin tăng lên, theo đó các nhà đầu tư sẽ yêu cầu một tỷ lệ lợi tức cao hơn để bù đắp cho rủi ro. Hệ quả là doanh nghiệp bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó. Để hạn chế ảnh hưởng này, BCTC của doanh nghiệp cần cung cấp những thông tin phù hợp để cổ đông có thể đánh giá chính xác hơn giá trị doanh nghiệp. Việc cho phép các nhà quản lý sử dụng những xét đoán nghề nghiệp một cách linh hoạt sẽ giúp cho thông tin BCTC đáp ứng tốt hơn yêu cầu này (báo cáo theo GAAP không phải khi nào cũng phản ánh hợp lý các thông tin tài chính của doanh nghiệp). Lợi ích chính của việc cho phép sử dụng các ước tính trong BCTC là ở chỗ giúp cho doanh nghiệp có thể cung cấp nhưng thông tin cần thiết về triển vọng phát triển đồng thời tránh phải tiết lộ những thông tin chi tiết không có lợi cho việc cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, việc vốn hóa khoản đầu tư vào một dự án mới là một cách để doanh nghiệp thông báo với cổ đông rằng lãnh đạo doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng thành công của dự án, thay vì phải tổ chức họp báo công bố chi tiết về dự án đó, vừa tốn kém mà lại dễ lộ những thông tin nhạy cảm. Trên thực tế các doanh nghiệp đã và đang khai thác triệt để sự linh hoạt trong chế độ kế toán để tăng cường hiệu quả trong quan hệ với nhà đầu tư (IR). Ví dụ, nghiên cứu của Bartov và Bodnar (1996) cung cấp những bằng chứng cho thấy nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc thay đổi các phương pháp kế toán như một biện pháp để cung cấp thông tin tài chính hiệu quả cho cổ động.
Thứ ba, cũng lý thuyết đại diện cho rằng nếu cả bên lập BCTC và bên sử dụng BCTC đều ý thức rõ về sự tồn tại của các xét đoán chủ quan trong lập BCTC thì họ sẽ tính tới yếu tố này trong các thoả thuận để có được một hợp đồng tối ưu.
Vì thế mối lo ngại bên lập BCTC lợi dụng quyền đưa ra các xét đoán chủ quan của mình để làm lợi cho bản thân và hại cho bên đối tác sẽ không xảy ra. Ví dụ, trong hợp đồng cho vay ngân hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp không được thay đổi phương pháp kế toán trong thời gian vay, nhưng cũng có thể cho phép bên đi vay sử dụng các quyền tự chủ của mình trong lập BCTC theo đúng luật. Bù lại ngân hàng có thể yêu cầu một mức lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro có thể phải chịu do bất lợi về thông tin. Nếu doanh nghiệp thấy mức lãi suất cao hơn là phù hợp so với lợi ích do sự linh hoạt này mang lại thì họ sẽ chấp nhận. Như vậy, không bên nào bị thiệt cả. Trên thực tế các ngân hàng vẫn thường có những hợp đồng như vậy.
Cuối cùng, ngay cả khi có thể xây dựng một chế độ kế toán chi tiết đến mức không còn có chỗ cho xét đoán chủ quan nữa, thì điều đó cũng không bảo đảm sẽ không có kẽ hở nếu người ta cố tình tìm cách “lách luật”.
Enron là một ví dụ điển hình. Một trong những thủ thuật được Enron sử dụng để che giấu các khoản nợ và lỗ khổng lồ là thành lập các “đơn vị thành viên đặc biệt” (special purpose entity – SPE). Với việc bảo đảm tỷ lệ sở hữu của bên thứ 3 lớn hơn 3% (thoả mãn điều kiện không phải hợp nhất BCTC của các SPEs), Enron đã đạt được mục tiêu “phù phép” của mình (tất nhiên đây chỉ là một trong nhiều thủ thuật đã được Enron sử dụng).
Tóm lại, việc cho phép doanh nghiệp sử dụng các xét đoán chủ quan trong việc lập BCTC không phải là một giải pháp hoàn hảo để nâng cao chất lượng thông tin tài chính. Vẫn còn đó những quan ngại về độ tin cậy của thông tin đươc đưa ra bởi những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi thông tin đó. Tuy nhiên, giải pháp loại bỏ hoàn toàn yếu tố xét đoán chủ quan của các doanh nghiệp trong lập báo cáo tài chính sẽ không giải quyết được vấn đề. Giải pháp khả thi hơn có lẽ là nâng cao vai trò kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ, hội đồng quản trị. Cuối cùng, vai trò quan trọng nhất trong dài hạn thuộc về thị trường. Thị trường lành mạnh sẽ đào thải những doanh nghiệp làm ăn gian dối, đào thải những nhà quản lý báo cáo không trung thực.
Với mục tiêu “Sự thành công của học viên là niềm tự hào của Đức Minh”, Công ty đào tạo kế toán và tin học Đức Minh là nơi đào tạo kế toán thực tế và tin học văn phòng uy tín và chuyên nghiệp nhất Hà Nội hiện nay. Đức Minh luôn sẵn sàng hỗ trợ hết mình vì học viên, luôn đồng hành cùng học viên trên bước đường đi tới thành công.
Lịch học dạy kèm linh động từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần cho tất cả các học viên:
Ca 1: Từ 8h -> 11h30 * Ca 2: Từ 13h30 -> 17h * Ca 3: Từ 18h -> 20h
Bảng giá khóa học
TỔ CHỨC THI VÀ CẤP CHỨNG CHỈ CỦA VIỆN KẾ TOÁN ĐỨC MINH
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
HỌC VIỆN ĐÀO TẠO KẾ TOÁN - TIN HỌC ĐỨC MINH
Cơ Sở 1: Tầng 2 - Tòa nhà B6A Nam Trung Yên - đường Nguyễn Chánh – Cầu Giấy HN - 0339.156.806
Cơ Sở 2: P902 tầng 9 tòa Licogi 12 . Số 21 Đại Từ - Đại Kim ( đối diện khu chung cư Eco Lake View) - Hoàng Mai - Hà Nội. ĐT / ZALO: 0342.254.883
Cơ Sở 3: Phòng 2516, tầng 25, tòa nhà SDU số 143 Trần Phú, Hà Đông,HN (ngay điểm ga tàu điện Văn Quán) - 0339.421.606